1
Bạn cần hỗ trợ?

Văn hóa ẩm thực Lạng Sơn trong lòng du khách

Trong kho tàng văn hóa ẩm thực, Việt Nam là quê hương của nhiều món ăn ngon, từ những món ăn dân dã trong ngày thường đến những món ăn cầu kỳ để phục vụ lễ hội và cung đình đều mang những vẻ riêng. Mỗi vùng miền trên đất nước lại có những món ăn khác nhau và mang ý nghĩa riêng biệt tạo nên bản sắc của từng dân tộc. Nó phản ánh truyền thống và đặc trưng của mỗi cư dân sinh sống ở từng khu vực. Văn hóa ẩm thực Lạng Sơn cũng có những nét đặc sắc tiêu biểu tạo nên sự khác  biệt và dường như khi nhắc đến Lạng Sơn không ai là không nhớ tới những sản phẩm đã làm nên “thương hiệu” cho xứ Lạng.


Đối với  Thịt lợn quay ở Lạng Sơn không chỉ là món ăn đặc sản mà còn là lễ vật trong đám cưới của người Tày và người Nùng. Khác với các nơi, thịt quay xứ Lạng được nhồi lá “mác mật” cùng với kỹ thuật quay đã tạo nên hương vị riêng. Tìm hiểu về cách làm lợn quay cũng không có gì khó, rất nhiều nhà hàng hoặc người làm nghề quay lợn sẵn sàng chia sẻ bí quyết cho du khách. Anh Bế Văn Chí, một người làm nghề quay lợn của xã Tân Lang, huyện Văn Lãng cho biết: lợn để quay thường từ 25-50kg. Sau khi mổ, lấy giấy bản thấm khô phía trong (nếu rửa nước, thịt sẽ bở hoặc nhão, không săn, mất hết vị thơm ngọt và bùi), nhồi lá mác mật vào bụng con lợn cùng các gia vị khác rồi khâu lại. Sau đó dùng một cây tre thẳng, rửa sạch xuyên dọc con lợn từ mõm tới đuôi, gác lên hai chạc cây ở hai đầu, bên dưới là đống than củi. Quay lợn không để gần lửa quá dễ nứt da. Mọi người thay nhau quay, vừa quay vừa xoa một loại nước tổng hợp gồm mật ong, gia vị do họ chế biến để giòn bì và khỏi nứt. Vừa quay vừa dùng khăn lau mỡ chảy ra, độ vài ba tiếng đồng hồ tùy con lợn to hay nhỏ. Muốn xem thịt lợn đã chín hay chưa, dùng một que sắt nhỏ chọc vào con lợn thấy nước rỉ ra mầu sẫm là được.
Chỉ cần dạo quanh một vòng thành phố Lạng Sơn, từ các nhà hàng, khách sạn lớn như Mường Thanh, Nhà hàng Lạng Sơn, Newcentery, Thảo Viên, Bắc Sơn, Kim Sơn, Hoa Sim hay những nhà khách, quán ăn bình dân của thành phố Lạng Sơn và các địa phương trong tỉnh phát triển về du lịch, du khách đều có thể tìm thấy những món ăn đặc sản. Đó là vịt quay, thịt lợn quay, kháu nhục, phở chua, khoai môn Lệ Phố… Chị Dương Thị Thắng, một nhà làm cỗ ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: vịt quay muốn ngon phải là giống vịt bầu Thất Khê. Giống vịt này vừa béo, vừa dầy thịt, xương nhỏ, thịt mềm. Từ kỹ thuật sơ chế tẩm ướp gia vị đến lúc quay để vịt vừa chín tới, tỏa mùi thơm ngậy của thịt vịt và lá mác mật, da vịt căng bóng, có màu vàng sẫm của mật ong là bí quyết riêng của người dân nơi đây.


Có thể nói, hiện nay, du lịch Lạng Sơn đang phát triển và để có thể thu hút được đông đảo du khách đến với xứ Lạng không thể không nói đến vai trò của văn hóa ẩm thực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cô giáo Vương Thị Thắng, nguyên Trưởng khoa quản trị chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, hiện là giảng viên của lớp học nấu ăn do Trung tâm Kỹ thuật Hướng nghiệp Tổng hợp tỉnh tổ chức cho biết: Lạng Sơn có văn hóa ẩm thực đặc trưng và rất phong phú. Là một người dạy về nấu ăn, lại dạy cho người dân ở Lạng Sơn thì tôi đã nghiên cứu về văn hóa ẩm thực của các bạn rất nhiều. Để từ đó dạy cho lao động nông thôn của tỉnh những món ăn đáp ứng được nhu cầu ẩm thực chung của du khách, không những có nhiều món ăn mới lạ mà còn phải gìn giữ, phát triển những món ăn truyền thống đã làm nên bản sắc riêng cho Lạng Sơn.
Đó là những món ngon trên bàn tiệc, còn bữa sáng ở Lạng Sơn, du khách sẽ được thưởng thức phở vịt, áp chao, bún chả, bánh cuốn nóng. Trên bàn ăn ở Lạng Sơn, hầu như lúc nào cũng có món măng ớt rất ngon, nó là một gia vị rất riêng trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ Lạng. Anh Nguyễn Đức Hưng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Tôi thường xuyên có công việc lên Lạng Sơn nên được thưởng thức nhiều món ngon ở đây. Tôi thích nhất là bữa sáng với bánh cuốn nóng, bữa cơm trưa với món vịt quay và bữa tối làm một nồi lẩu rau. Giờ đang mùa các loại rau cải, tôi rất thích cải làn, mùa cải làn, cải ngồng năm nào tôi cũng mua về nhà làm quà và để tủ lạnh ăn dần. Khi nào không lên được, nhớ quá, thèm quá lại gọi điện nhờ bạn bè gửi cho…

Trải qua 180 năm xây dựng và trưởng thành, Lạng Sơn đã có nhiều đổi thay về diện mạo, về bước tiến, thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhưng những giá trị về văn hóa ẩm thực luôn được gìn giữ và phát triển, nhất là trong thời kỳ hội nhập như ngày nay thì những giá trị ấy càng cần phải được phát huy để trong lòng du khách thì Lạng Sơn luôn là một địa chỉ du lịch – một điểm đến ấn tượng trong hành trình của họ.

Trả lời

0975.156.883

Contact Me on Zalo